CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG - NĂM C
TIN MỪNG: Lc 3,10-18
Noel Quesson - Chú Giải
Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa, hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây?"
Gioan Tẩy giải "Rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội". Chúng ta đã đọc như thế trong Chúa nhật trước. Đám đông người Pa-lét-tin thời Đức Giêsu gồm có những nông dân, đơn giản và thực tế; họ muốn sống phù hợp với phép rửa của họ. "Chúng tôi phải thay đổi những gì trong cuộc sống? Chúng tôi phải làm gì?".
Chúng ta đã nhận phép rửa để tha tội trong tình trạng vô ý thức của thời thơ trẻ. Nhưng suốt cuộc đời ý thức trưởng thành, chúng ta phải sống lại "dấu chỉ" này, bí tích hoán cải này. Và chúng ta biết rằng, bí tích rửa tội đúng ra không thể tái diễn được nữa, chúng ta có thể sử dụng điều mà thần học truyền thống gọi là "phép rửa thứ hai": đó là “bí tích sám hối" mà chúng ta chuẩn bị nhận lãnh để chúng ta cũng đón tiếp Đấng sẽ đến.
Cũng như đánh đông Pa-lét-tin, chúng ta không thể thỏa mặn với những lời nói suông với những nghi lễ. Chúng ta cần phải nhiệt tình đặt câu hỏi với Chúa:. "Lạy Chúa, con phải làm gì để trở thành Kitô hữu?".
Gioan trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”.
Lời rao giảng của Gioan Tẩy giả là rõ ràng, chính xác và cần thực hiện ngay không được chậm trễ. Nó không có gì thuộc phạm vi trí thức hay khó hiểu cả, chính trong cái bình thường nhất hay tầm thường nhất của cuộc sống hằng ngày ( ăn, mặc...) mà sự "hoán cải" qua thân xác, sự quay lại của tâm hồn gọi là "métadola” cần được thực hiện.
Để xét xem những cách tuyên xưng đức tin của bạn có đúng hay không, bạn không nên kiểm tra tính xác thực có vẻ lý thuyết của chúng trong sách vở... nhưng tốt hơn hãy nhìn vô tủ áo, tủ chứa đồ ăn, những ngăn kéo và trương mục ngân hàng của bạn. Hãy chia sẻ - Hãy cho một nửa đi- Lạy Chúa, Chúa yêu cầu con những gì?
Chúng con nhận thấy rõ Luca người loan báo Tin Mừng của Chúa sẽ nêu gương cho chúng con qua cử chỉ điên rồ của tên vô lại Da-kêu trưởng ban thu thuế thành Giêrikhô: "Tôi cho người nghèo phân nửa tài sản của tôi" (Lc 19,9). Luca còn kể lại rằng, chính Đức Giêsu đã bảo những người giàu có đương thời sống, chia sẻ, thay vì quá lo lắng đến sự "trong sạch" của họ (Lc 11,41). Luca cũng cống hiến cho chúng ta gương mẫu của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu: "Họ để mọi sự làm của chung" (Cv 2,44 - 4,32-35). Còn chúng ta thì sao?
Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa, họ hỏi ông: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?". Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình". Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?". Ong bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình".
Từ những đám đông này, Luca rút ra được hai loại người: thu thuế và cảnh sát. Đó là những người bị người ta ghét nhất thời đó, là những người ít tư cách nhất để đón tiếp Đức Giêsu, những người sống ngoài xã hội và bị khinh bỉ, những người tội lỗi nhất, những hạng người "đểu cáng".
Ở đây chúng ta cũng nhận ra rằng Tin Mừng theo Thánh Luca sẽ cho chúng ta thấy Đức Giêsu "dùng bữa nơi nhà những người tội lỗi" (Lc 5,27-30). Làm cho những người công chính rất bất bình Đức Giêsu, "ngụ tại nhà người tội lỗi" (Cl 19,7) làm cho những "người đàng hoàng" phải bực bội. Đức Giêsu nói rằng Người đến không phải vì những người công chính (Lc 5,32).
Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (Lc 3,6) cả những người thu thuế và những binh lính, cả những người tội lỗi, và cả tôi nữa. Lạy Chúa, Tạ ơn Chúa về lòng từ bi của Chúa.
Đối với những người thu thuế và cảnh sát của quân đội chiếm đóng, Gioan Tẩy giả không yêu cầu họ đổi nghề, nhưng chỉ cần có cung cách sống mới, tôn trọng công lý, không lạm dụng sức mạnh mình có trong tay, bằng lòng với những gì mà quyền lợi và luật pháp đã quy định. Tất cả những lời khuyên trên đây thuộc lĩnh vực nghề nghiệp. Chúng nhằm đến những tội lỗi, mà người thu thuế và binh lính thời bấy giờ thường hay vấp phạm: làm giàu bằng cách lợi dụng tư thế bất khả xâm phạm do nghề nghiệp của mình, lợi dụng thế mạnh nhất của mình đang nắm giữ.
Còn tôi thì sao? Tôi thường phạm những tội nào do nghề nghiệp, địa vị của tôi?
Tội của linh mục? Của giáo sư? Của nhân viên văn phòng? Của cô y tá? Của y sĩ? Của công chức? Của chủ xí nghiệp? Của người thợ ăn lương? Của người buôn bán? Của con cái? Của cha mẹ? Của nữ tu sĩ? Xã hội đã đổi mới biết bao, nếu tất cả những người được rửa tội đều cử hành một "phụng vụ sám hối" đích thực.
Còn chúng ta, chúng ta phải làm gì?
Trình thuật của Luca có thể dừng ở đó. Nhu cầu "hoán cải” có thể dừng lại ở phương diện nhân bản, xã hội và luân lý. Thế nhưng, đám đông lại chờ đợi một cái gì khác.
Vì dân chúng đang trông ngóng... nên ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan biết đâu ông chẳng là Đấng Mêsia.
Ở đây Luca đổi từ ngữ những "đám đông" (tiếng Hy Lạp là ochloi) bây giờ trở thành một "dân tộc" (tiếng Hy Lạp là laos). Khối dân chúng nặc danh đạt được một phẩm giá mới, nhờ tự đặt ra cho mình một câu hỏi: họ không chỉ đợi một cái gì đó nữa, mà là một Đấng nào đó... Khát vọng căn bản của họ, là một ước muốn thầm kín, nằm sâu trong lòng họ, mà họ không biết diễn tả hay không dám diễn tả. Biết bao người ngày nay cũng như thời bấy giờ không biết "gọi tên Đấng - mà họ mong đợi trong lòng". Có một Đấng Cứu chuộc hay không? Chúng ta có thể trông cậy ở một Đấng Mêsia, một Đấng Thiên Chúa sai đến để giải thoát tận căn những khổ đau của chúng ta không?
Gioan trả lời mời người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người".
Bề ngoài, người ta không nghe thấy họ đặt câu hỏi cách rõ ràng, nhưng Gioan Tẩy giả, do một thứ ân sủng ngôn sứ, đã đọc thấy trong lòng họ. Tôi có biết lắng nghe những gì thầm kín trong lòng các bạn đồng nghiệp, người lân cận và bạn bè của tôi không.? Từ những vấn đề thuộc nhân quyền, tôi có đi đến chỗ nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa không? Người đã mời họ mở tủ áo, mở tủ đồ ăn của họ. Bây giờ Người mời họ mở lòng họ ra để tiếp gặp một Đấng đang tiến đến phía họ. Hãy lắng nghe! Lắng nghe.. Những bước chân của Chúa đang đến với bạn đó.
Đối với Gioan, không chỉ có những diễn viên hiện diện trên sân khấu: đám đông, người thu thuế, binh lính, v.v... Nhưng có một diễn viên chính còn đang ẩn nấp. Còn đối với tôi thì sao?
Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
Đây chính là trung tâm của trình thuật Tin Mừng: Sự can thiệp cần thiết của Thiên Chúa. Hoán cải có thể là một hành vi không thường và dễ dàng. Gioan Tẩy giả chỉ đòi hỏi những việc tầm thường. Các bạn hãy thử đi? Những điều Thiên Chúa đòi hỏi, dù có nhiều dạng thức nhưng đều là những gì khó có thể thực hiện: “Hoán cải", "trở lại", đổi đời đều khó thực hiện, nếu con người chỉ dùng sức riêng của mình.Cần phải có một hành vi của Thiên Chúa: Mỗi bí tích là một hành vi của Thiên Chúa, bằng và hơn một hành vi của con người.
Để mô tả tác động của Thiên Chúa, Gioan Tẩy giả dùng ba hình ảnh: Sự dìm xuống nước, gió và lửa. Trong tiếng A-ramên cũng như trong tiếng Do Thái, cùng một từ là “ruah" có nghĩa vừa là "gió" vừa là "tinh thần". Lối chơi chữ này muốn cho ta hiểu rằng, Thần khí của Thiên Chúa sẽ lay chuyển chúng ta như một cơn gió bão, một cơn bão táp mà ta bị "nhận chìm", bị "dìm sâu” trong đó. Và Thần Khí của Thiên Chúa cũng như một ngọn lửa sẽ đốt cháy và thiêu hủy những nhơ bẩn của ta. Quả nhiên, khi Luca mô tả phép rửa trong Thánh Thần, Đấng "hoán cải” các tông đồ, thì trong ngày lễ Ngũ Tuần, sự kiện đó sẽ diễn ra qua một "tiếng gió mạnh" và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa" (Cv 2,2-3).
Để giúp bạn tưởng tượng ra bí tích sám hối ngày Giáng sinh (phép rửa thứ hai), bạn hãy thử coi bạn như đang ở trong sức thiêu đốt của một cơn bão lửa... sẽ đổi mới bạn. Oi, sự thiêu đốt đầy hạnh phúc của Thần Khí Thiên Chúa! Chúng ta có khuynh hướng biến những "chất nổ" Tin Mừng thành những thứ "kẹo bánh" dịu ngọt, tuy nhiên, đâu có hoàn toàn giống như thế!
Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.
Ở đây đúng là đang nói về Đức Giêsu: Người đến, tay cầm "nia" như vị thẩm phán ngày cánh chung để thu dọn và quét sạch một lần cuối cùng. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người rê thóc trên sân phơi của anh ta chưa? Vào một ngày có gió lớn, anh ta đứng thẳng, tay cầm chiếc nia lớn chứa thóc lẫn lộn với trấu và bụi bặm... rồi anh ta đổ xuống. Lúc đó, gió sẽ tách rời hạt nặng hơn khiến chúng rơi thẳng xuống, còn rơm trấu thì gió thổi đi xa. Người ta đem lúa vào vựa người ta đốt rơm trong lửa.
Chúng ta chớ lừa gạt chính mình. Chúng ta chúng không thể lừa gạt được Thiên Chúa. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy những gì có giá trị, có trọng lượng, trong cuộc sống của mình, và những gì không có giá trị trong lòng dạ con người: Có bao nhiêu thóc? hay chỉ là rơm rác?
Mong sao cho "gió và lửa" của Thần Khí ngay từ bây giờ hãy làm ra sự thật. Nhờ "phép rửa thứ hai" tôi lãnh nhận, nhờ "hành động của Thiên Chúa", tôi sẽ cố gắng làm nên sự thật, để chọn lựa trong cuộc sống của tôi, giữa ích kỷ và tình thương, giữa đàn áp và công lý, giữa tính ích kỷ làm nhơ bẩn tình yêu của tôi và tình yêu trong sự trong sạch của nó, giữa thái độ thực sự ngóng đợi Thiên Chúa và thái độ lãnh đạm buồn thảm đầy duy vật.
“Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ".
Sự phát xét này không phải là những điều khủng khiếp đáng sợ, mà là một "Tin Mừng". Chúa phán: "Không đâu, sự ác sẽ không tồn tại luôn mãi. Ta đã cầm nia rồi đấy”. Tạ ơn Chúa.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10-18)
I. Ý CHÍNH:
Bài tin mừng hôm nay tường thuật câu chuyện Gioan tiền sứ khuyên bảo những người đến bàn hỏi với ông về cách thức phải làm để chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế.
II. SUY NIỆM:
1. “Dân chúng hỏi ông rằng: vậy chúng tôi phải làm gì?”
Đám dân chúng ở đây là những người đã cảm kích về những lời giảng dạy và gương đời sống thánh thiện của Gioan (mc 1,6-8. Mt 3,1-11) nên họ đã sốt sắng đến hỏi ông cách thức thi hành lời ông giảng dạy.
2. “Ai có hai áo cho người không có…”
Để trả lời cho mọi người, ông chỉ vẽ phải thi hành đức bác ái bằng cách chia sẻ vật chất cho người nghèo khó.
Lời khuyên của Gioan ở đây xem ra còn ôn hòa khoan dung và nhẹ hơn lời khuyên của Chúa Giê-su sau này: “Ai đoạt áo choàng ngươi, cũng đừng cản nó lấy áo lót” (Mt 5,10; Mc 6,29). Điều này chứng tỏ lời khuyên của Gioan chỉ nhằm làm nổi bậc lòng thống hối chứ chưa phải lòng tin.
3. “Cả những người thu thuế…”
Trước mắt dân Do Thái thì người thu thuế là người làm nghề bất công, tội lỗi, đáng khinh bỉ. Nhưng ở đây những con người đó cũng muốn sám hối, muốn cải thiện đời sống. Gioan không buộc họ phải đổi nghề, chỉ đòi họ phải thực hiện sự công bằng: không được lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp của mình để ăn chậm bóp chẹt người khác, nhưng phải thi hành chức vụ, nghề nghiệp theo sự chính trực, công lý và công bằng: “Đừng đòi gì quá mức ấn định cho các ngươi”.
4. “Các quân nhân cũng hỏi…”
Quân nhân là người có khí giới, có sức mạnh luôn luôn bị cám dỗ dùng bạo lực, trộm cướp và bóc lột. Gioan không phải bảo họ phải đổi nghề, nhưng ông khuyên từ nay phải thi hành liêm chính, đừng dựa vào sức mạnh võ lực để hà hiếp bóc lột dân chúng, hoặc cáo gian để làm giàu trên sự đói khổ của người khác, nhưng phải bằng lòng với số lương chính đáng của mình, bằng lòng với quyền sở hữu vật chất mình đang có, chứ đừng ham hố cách bất chính.
Những lời khuyên của gioan tiền sứ trên đây thích nghi với địa vị của mỗi người. với tất cả mọi người, ông truyền dạy phải thi bác ái: Với Người thu thuế và quân nhân, ông nhắn nhủ phải sống công bình trong khi thi hành nhiệm vụ, chống lại những ước muốn tham lam bất công. Ông không đòi buộc người ta phải tách lìa khỏi thế gian hoặc phải từ bỏ các nghề nghiệp. Ông chỉ đòi hỏi lòng nhân hậu và đức công bình, đó là những hoa trái biểu lộ lòng sám hối đích thực trong lúc chờ đợi Đấng Cứu Thế đến. Giáo huấn của Gioan vì thế có tính cách chuẩn bị cho những đòi hỏi quyết liệt hơn của Chúa Giê-su (Lc 6,29.32-36; Mt 5,39-48).
5. “Vì dân chúng đang mong đợi…”:
Những lời rao giảng của Gioan tiền sứ đã khơi dậy trong lòng mọi người sự mong chờ ơn cứu chuộc. Vì Gioan thuộc dòng tư tế, không phải gốc dòng dõi Đavít nên dân chúng thắc mắc, hồ nghi không biết ông có phải là Đấng Cứu Thế chăng?
6. “Gioan trả lời mọi người …”:
Để trả lời thắc mắc dân chúng trên đây Gioan đã xác định ông không phải là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang mong đợi, ông chỉ là người tiền hô mở đường cho Chúa Cứu Thế đến. Để diễn tả ý nghĩa đó, ông đã trình bày bằng kiểu so sánh:
a. So sánh về phẩm giá: Ông tự nhận địa vị hèn kém của mình đối với Đấng Cứu Thế. Ơ đây ông dùng hình ảnh người đầy tớ đi theo chủ đến dự tiệc: khi vào phòng tiệc ông chủ cởi giày, thì người đầy tớ cúi xuống để cởi sợi dây buộc và trong suốt buổi tiệc, người đầy tớ cầm giày của chủ trên tay (Mt 3,11). Ông muốn nói Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế là ông chủ, còn ông chỉ là người hèn kém, còn thua cả người đầy tớ nữa. “Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.
b. So sánh về phép rửa:
- Ông nhận phép rửa của ông bằng nước: Nước chỉ nghi thức bên ngoài, rửa sạch trên thân xác, có tác động thúc đẩy lòng sám hối. “ Tôi thì lấy nước rửa trên các ngươi”.
- Còn đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, chính Người sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và lửa.
Phép rửa mà Đấng Cứu Thế thiết lập sẽ là một phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa. “Lửa” là biểu tượng của phép rửa trong tâm hồn sâu thẳm. Vì trong lúc nước chỉ chạm tới mặt ngoài của sự vật, thì trái lại, lửa xuyên thấu vào trong: Thanh tẩy, soi sáng và đốt nóng lên Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thanh tẩy và tánh hóa các linh hồn.
Phép rửa bằng nước của Gioan có giá trị thúc đẩy niềm thông hối, còn phép rửa của Chúa Giê-su có giá trị ban ơn tha thứ: thanh tẩy và thánh hóa.
7. “Người cầm nia trong tay mà sẩy sâu lúa…”:
Để xác định vai trò của Đấng Cứu Thế, Gioan trình bày Đấng Cứu Thế không những là Đấng: “Sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và lửa”, mà Người còn là Quan án nữa.
Vai trò quan án này của Đấng Cứu Thế, được Gioan trình bày dưới hình ảnh “cầm nia trong tay và sảy lúa”.
Nông dân Palestine có thói quen quăng lúa lẫn lộn với rơm rạ trên sân. Sau khi đập trước gió, lúa nặng hơn sẽ rơi xuống trên sân, rơm rạ nhẹ hơn sẽ được gió cuốn đi. Sau đó thu lúa vào lẫm, rơm rạ sẽ được đốt cháy. Đây là hình ảnh sẽ được xét xử. Đấng Cứu Thế đến để xét xử, tách biệt người lành khỏi kẽ dữ: Người đem kẻ lành vào Nước Chúa và phó mặt kẻ dữ cho hỏa hình.
“Lửa không hề tắt” nói lên sự xét xử có tính cách quyết định vĩnh viễn. Nói đến vai trò xét xử của Đấng Cứu Thế, Gioan muốn gợi lên cho dân chúng phải có lập trường dứt khoát đối với Đấng Cứu Thế và phải thống hối để đón nhận Người.
8. “Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng Tin-Mừng cho dân chúng”:
“Rao giảng Tin-Mừng cho dân chúng” có nghĩa là Phúc Âm hóa dân chúng. Ơ đây muốn nói đến Gioan tiền sứ có nhiệm vụ loan truyền và chuẩn bị Đấng Cứu Thế đến.
III.ÁP DỤNG:
A/ Áp dụng theo Tin-Mừng:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn dùng những lời khuyên bảo của gioan đối với dân chúng, để nhắc nhở chúng ta cần phải tỏ lòng thống hối bằng đời sống bác ái và công bình, để xứng đáng đón nhận ơn Chúa đến trong hiện tại và chuẩn bị đón Chúa trong giờ chết của mình.
B/ Áp dụng thực hành:
I. Nhìn vào gioan tiền sứ:
1. Qua lời rao giảng và đời sống thánh thiện, Gioan đã thu hút được nhiều người đến với Đấng Cứu Thế. là người tông đồ, chúng ta phải thánh thiện trong lời nói và việc làm để trở nên men muối và ánh sáng cho những người xung quanh.
2. Gioan khuyên nhủ mọi hạng người, nhưng ông không bắt ai phải giống như ông, mà chỉ đòi hỏi mỗi người phải biết sống hoàn hảo trong tinh thần bác ái và công bình. Chúng ta không nên đòi hỏi người khác sống theo cách thức của ta, nhưng hãy giúp người khác sống hoàn hảo theo cách thức của họ đang có.
3. Khiêm nhường nhận vai trò tiền sứ của mình như một tôi tớ chứ không đón nhận vinh dự mà dân chúng ngưỡng mộ ông như một Đấng Cứu Thế. Chúng ta cần có lòng khiêm nhượng trước mặt tha nhân: không ham chỗ danh vọng, và trước mặt Thiên-Chúa: luôn luôn nhận mình là thụ tạo để biết lệ thuộc vào Chúa, nhận mình là tội nhân để tỏ lòng thống hối, nhận mình là con để yêu mến Chúa …
II. Nhìn vào dân chúng:
+ Chúng ta phải biết cảm kích trước những lời rao giảng của Giáo Hội và trước những gương lành của các thánh để thao thức có một nếp sống đẹp lòng Chúa hơn.
+ Lòng thống hối của ta không dừng ở tình cảm nhưng phải biến thành hành động qua việc thăng tiến đời sống.
III. Nhìn vào những người thu thuế:
+ Là người tội lỗi, khô khan, nguội lạnh… cần phải biết lắng nghe lời mời gọi của Chúa để chạy đến với Giáo Hội, với người hướng dẫn để xin chỉ về cách sống hoàn hảo hơn.
IV. Nhìn vào quân nhân:
+ Là những người đang có địa vị, chức quyền hơn người khác, chúng ta đừng lợi dụng để trục lợi bản thân, nhưng phải sống liêm chính và công bình.